Tinh Thần Hiếu Đạo – Hòa Thượng Thích Nhật Quang

Tinh thần hiếu đạo

Hôm nay là ngày rằm tháng bảy, ngày rằm trung nguơn. Rằm tháng giêng gọi là rằm thượng nguơn, rằm tháng bảy là rằm trung nguơn, rằm tháng mười là rằm hạ nguơn. Một năm có ba nguơn, thường gọi là tam nguơn tứ quý. Tức một năm có bốn mùa và ba lễ cúng vào tháng giêng, tháng bảy và tháng mười. Riêng Phật giáo có thêm một lễ trọng nữa là mừng đức Bổn Sư giáng sinh vào rằm tháng tư.

38036.1kx

Hôm nay chúng tôi sẽ nói về hiếu đạo trong Phật giáo. Tinh thần hiếu đạo này nhiều và rộng, chúng tôi chỉ lược nói những việc bình thường để quý Phật tử có thể thực hành được trong sinh hoạt hằng ngày, không phải mang tội bất hiếu. Bởi vì bất hiếu là tội lớn lắm. Tội này nếu phạm sẽ rơi vào địa ngục Vô gián, chịu muôn vàn khổ đau. Tôi còn nhớ câu chuyện có thực, xảy ra trên xứ sở của chúng ta. Truyện kể trên cánh đồng của những người nông dân đang chuẩn bị trồng trọt, có mấy chú mục đồng lùa trâu đi qua. Bỗng một em la sảng, té lăn giãy giụa rồi ngất lịm. Những người dưới ruộng chạy lên cứu, nhưng không làm sao đụng đến thân của em được, đến lúc như em đã chết mới bồng lên được. Mọi người tập trung để cứu sống em.

Khoảng một tiếng sau em bắt đầu tỉnh lại. Khi tỉnh lại thì mình mẩy của em xạm đen giống như là bị đốt cháy vậy. Đau nhức khổ sở không ngồi, không nằm được. Bấy giờ em kể lại trong nước mắt: Em theo đoàn trâu qua bờ rào, bước lên cánh đồng, em thấy có một cổng thành to lớn uy nghi. Em đến gần thì cánh cổng mở ra và có một lực hút em vào trong đó, không cách gì cưỡng lại. Em vừa vào thì cửa đóng ầm và lửa bắt đầu cháy. Bốn bên, trên đầu, dưới chân đều là lửa. Nên lúc em la hét là lúc bị lửa đốt. Đó là một hiện tượng chứ chưa hẳn bị đọa vào địa ngục. Do đời trước đã tạo nghiệp ác và cũng đã bị những quả báo khổ đau cùng cực nhưng còn dư báo. Dư báo này trả bằng cách nào và thời gian nào, tội nhân không biết được. Mỗi chúng ta ai cũng có dư báo hết. Nếu chúng ta tu hành, làm lành, có hiếu, có đạo đức thì dư báo của chúng ta được tích tập bằng đạo đức, bằng những quả chân thiện. Trái lại nếu chúng ta ưa gây tạo những nghiệp nhân xấu, làm những điều thương luân bại lý thì hậu quả dư báo hay hiện báo xấu không thể nói được. Đó là một chuyện thực.

Địa ngục ở đâu? Từ tâm chúng ta. Mỗi khi chúng ta bất an, chúng ta nghĩ tưởng làm một việc gì bất nhẫn, phi pháp thì bị địa ngục tâm hành phạt. Người con Phật chúng ta hiểu được như vậy thì nên dừng bớt những hành động, những nghiệp tập không tốt. Trong hiện đời, nếu chúng ta trầm lắng, yên tĩnh sáng suốt thì chúng ta sẽ nhận biết những điềm báo trước về nghiệp quả của mình. Người xưa dạy chúng ta nói lời gì, làm việc gì, nghĩ tưởng gì, đều phải suy xét. Nếu đó là lời nói độc, là suy nghĩ xấu, là hành động phi pháp thì chúng ta liền dừng. Người không biết dừng thì khi quả báo đến có kêu than, cầu cứu cũng không thể kịp.

Việc tu là phải tu ngay trong nhân, tu ngay gốc. Nếu lúc ban đầu chúng ta buông tay, phiêu lưu rồi thì hậu quả nguy hại vô kể. Đã lỡ gây tạo nhân không tốt thì khi hậu quả chúng ta sẵn sàng chấp nhận trả nghiệp và kiên quyết không gây nhân đó nữa. Nếu nhận rồi lại tạo nữa thì không bao giờ hết khổ. Đó là tinh thần trách nhiệm của người con Phật.

Trong kinh Phương Tiện Phật Báo Ân, Phật dạy: Người muốn báo đền ân nghĩa to lớn của cha mẹ không có cách gì hơn là phát tâm Bồ đề. Bồ đề là giác, phát tâm Bồ đề là phát tâm cầu giác ngộ, và tìm cách hướng dẫn, tạo điều kiện để cho những người thân của mình cùng phát tâm Bồ đề nữa, đó là báo ân rốt ráo.

Kinh cũng nói: Bồ tát muốn tri ân báo ân thì nên phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và dạy chúng sanh cũng phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác như vậy. Phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác hay phát tâm Bồ đề tức là phát giác tâm. Giác tâm là khi làm một việc gì, chúng ta dùng trí dụng để kiểm soát được mình. Tâm giác nếu khai mở thì sáng suốt, sẽ vỡ lẽ ra mọi thứ. Còn đóng kín lại thì u mê ám chướng dẫy đầy.

Vì vậy điều quan trọng là chúng ta khai mở trí giác và làm sao khuyến khích giúp đỡ hỗ tương cho những người chung quanh mình cũng tỉnh giác. Bồ tát thường hay phát đại nguyện: “Nếu tôi chứng được Vô Thượng Bồ Đề thì tôi sẽ làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, khiến tất cả được an trụ trong cảnh Đại Niết Bàn, lại giáo hoá tất cả chúng sanh đều được đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật”. Đó là một hạnh báo ân. Nghĩa là mình đã phát tâm cầu giác ngộ, tu tập theo đạo giác ngộ và động viên, khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ của mình cùng phát tâm tu tập như vậy.

Nhờ giác tâm mà chúng ta nghiệm lại tất cả hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ tính toán đều vì lợi ích chung. Mở rộng lòng ra và ứng dụng trí tuệ thì dù một việc làm hết sức khó khăn, chúng ta cũng làm được.

Tâm nguyện của người tu chân chánh không phải là ngồi đó kêu cầu Thần Thánh ban cho chúng ta cái này cái nọ. Mà tâm nguyện đó là ý chí chúng ta có thể thực hiện được. Ngày xưa các vị Phật, Bồ tát đã làm được thì bây giờ con nguyện cũng làm được. Dù trải qua bao nhiêu gian khổ con cũng nguyện thực hiện cho được. Như vậy mới là lời nguyện chân chánh của người con Phật. Không phải đốt nhang khấn vái thì thầm mà phải phấn đấu vươn lên. Người nguyện bằng cái miệng mà không phấn đấu chừa những lỗi lầm, làm những việc thiện thì cũng không có Thánh Hiền Phật Trời nào ban cho phước lạc cả.

Nên người tu từ phát tâm giác, hướng dẫn cho người chung quanh phát tâm như vậy, đồng thời cộng với những tâm nguyện của mình gọi là tu từ cội gốc lành. Gốc đó có thể phá trừ ba nghiệp ác ở thân, khẩu, ý của chúng ta. Bởi vì tất cả những tội lỗi, những quả báo xấu xa đều từ gốc nghiệp tập là tham, sân và si. Nếu chúng ta nhận biết và tu sửa ngay tham, sân, si thì mọi thứ theo đó bình ổn. Chánh báo tốt, tức là thân tâm tốt thì y báo, tức hoàn cảnh chung quanh sẽ theo đó mà được tốt. Muốn sửa y báo thì phải sửa ngay chánh báo. Ví như muốn đừng bị lũ lụt mà khai thác cây rừng bừa bãi thì làm sao ngăn ngừa được. Biết việc làm nào đưa đến tai hại thì chúng ta đừng làm. Muốn làm cũng phải khắc phục, dừng lại, không gây nhân xấu thì làm gì có quả xấu. Đó là điều tất yếu trong tinh thần nhân quả.

Phát tâm giác, tu cầu giác ngộ cho bản thân mình và hướng nguyện toàn thể đều được giác ngộ. Đó là tâm nguyện duy nhất của người con Phật biết ân và báo ân. Việc làm này lớn lao nhưng chúng ta có thể làm được. Bởi vì việc tu không có thời gian. Tu chừng nào thành tựu mới thôi. Miễn sao chúng ta có tâm kiên quyết, dài lâu, bền bỉ, vững chắc để chịu đựng, để vượt qua, để khắc phục, để thành tựu sở nguyện của mình. Được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Tất cả thệ nguyện thế gian và xuất thế gian, không có thệ nguyện nào bằng thệ nguyện cầu giác ngộ giải thoát. Vì người con Phật là tu theo Phật, làm theo lời dạy của Phật, chỉ cầu giác ngộ, không cầu gì khác. Mình được giác ngộ và giúp mọi người giác ngộ. Không cầu sống lâu, không cầu giàu có. Bởi vì sống lâu rồi cũng chết, tiền tài cũng không chắc thực. Cho nên chỉ có duy nhất là cầu thành Phật. Cầu thành Phật thì chúng ta phải có tâm giác, tâm Phật. Phát huy được tâm giác thì mới thành tựu quả Phật. Hằng ngày chúng ta kiểm tra thấy tham, sân, si tăng trưởng đầy dẫy thì biết là ma chứ không phải đệ tử Phật. Người tu dù trong hoàn cảnh nào, tại gia hay xuất gia, mỗi ngày kiểm thấy tham, sân, si giảm bớt thì biết mình tu đúng. Những việc làm công đức, ngồi thiền, tụng kinh, bố thí, cúng dường cần thiết để hỗ trợ chứ chưa phải là chính yếu. Cũng giống như chiếc áo chưa phải là nhà tu mà nhà tu thì phải sửa từ tâm, tu từ tâm và hành động từ tâm.

Đã có những Phật tử trải qua một quá trình tu không phải là ngắn mà vẫn chưa thể hiện được mình là người Phật tử. Tôi biết một vị hồi xưa học đạo với sư ông tôi. Trải qua thời gian dài học đạo với thầy tôi, bây giờ vị đó lại đến học đạo với tôi mà cũng chưa thành Phật tử. Vì sao chưa thành Phật tử? Về nhà con cháu nói gì đó, tức giận la lối, tức là học Phật mà không áp dụng lời Phật dạy. Tu làm sao cho tham, sân, si giảm nhẹ, thì dù quí vị có ngồi tại chợ, trong quán v.v… quí vị cũng được an lạc.

Những vị Thiền sư, những vị Bồ tát đi vào cuộc đời này là do các Ngài làm chủ được tham, sân, si nên các Ngài đi lại tự tại trong thế gian. Ngang qua chỗ hát bội cũng bình thường, chỗ nhậu nhẹt không hề dính mắc. Như vậy mới độ sanh được. Người tu hiếu đạo cũng phải phát huy được tính giác của mình. Ở đây có hai việc: Một là tính, hai là hạnh.

Trước nhất là nói về tính chất. Tính chất ở đây là gốc, tức là dùng ý chí vững mạnh, đạt cho được gốc bất sanh bất diệt của mình. Người tu theo đạo Phật không phải chán đời, yếm thế, dễ duôi. Người tu Phật phải cứng rắn, dứt khoát, trí tuệ. Trong kinh hay trong ngữ lục của các Tổ nói người thấy được và sống được với tính giác của mình, là người thành tựu được muôn hạnh. Có người nói tính tôi nóng lắm, lời đó không đúng. Bởi vì tính là cái vô hình, bất sanh bất diệt, là trí tuệ trùm khắp chứ không phải là nóng là lạnh, là thương là ghét, dài hay ngắn, xấu hay tốt gì cả. Cho nên nói tính tôi hay nóng là không đúng mà phải nói là bệnh của tôi hay nóng. Bây giờ tôi trị cái bệnh hay nóng thì mới bỏ được. Còn nói tính thì suốt đời, tới chết cũng không bỏ được. 

Tóm lại, nói đến bản tính thì rỗng rang sáng suốt, bất sinh bất diệt, xưa nay mỗi người đều sẵn như vậy, chỉ vì chúng ta bỏ quên nên không sử dụng được. Giống như chúng ta có nhiều tiền xu, bỏ đại trong góc nào đó rồi quên đi, muốn tìm mà tìm không được. Khi lần lần yên lắng, lượm lựa trong góc đó. Lượm lựa mãi nó sẽ trồi ra. Cũng như vậy, chúng ta yên lắng tham, sân, si, đừng chạy theo bên ngoài, thì mình sẽ nhận ra được tính giác của mình.

Hai là hạnh. Người phát huy được tính đó rồi thì đến hạnh. Ví dụ như người Phật tử, lúc đầu mới đi chùa, chưa hiểu đạo. Thời gian sau được học, được nghe, được hiểu, thấm nhuần Phật pháp thì mới phát huy đức hạnh. Như người ấy thấm nhuần được lời dạy của Bồ tát Quán Thế Âm là phải nhẫn chịu mọi sự mới thành tựu được đại nguyện của mình. Nhờ thấm nhuần mà tâm nhu hòa nhẫn nhục. Nhẫn nhục như thế nào? Tất cả những gì bên ngoài đem đến không chấp nhận, bình thản với mọi việc. Do đó người con Phật thờ Phật, thờ Bồ tát không có nghĩa là thờ hình ảnh của các Ngài để trấn giữ nhà cửa cho mình. Quan niệm đó sai lầm. Nhìn vào tượng Bồ tát Quán Thế Âm, thấy dung nhan Ngài, nhớ lại công phu tu hành và thành quả của Ngài, Ngài làm được mình cũng làm được. Bởi vì khi làm Ngài cũng còn là một chúng sinh. Như câu chuyện Quan Âm Thị Kính. Hồi tiểu Kính Tâm mang bị lên núi vào chùa Vân Tự, lúc đó Ngài đâu phải là Bồ tát (Nếu có Bồ tát thì là Bồ tát nhân) mà Ngài là một người nữ. Gặp tình huống éo le trong gia đình, cô giả trai tìm chỗ để tu hành. Chịu bao nhiêu oan khiên roi vọt, tất cả Ngài đều nhịn nhục được nên mới thành tựu được quả vị Bồ tát. Mỗi khi chúng ta nhìn vào tượng Phật, tượng Bồ tát là học những đức hạnh của các Ngài. Như nhìn tượng của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, vị giáo chủ cõi Ta bà, chúng ta liền nhớ, trải vô lượng kiếp, Ngài đã chịu đựng những khó khổ, nhẫn nhục và thành tựu trí tuệ, từ bi trùm khắp. Chúng ta học theo hạnh của Ngài, không nhiễm, không vướng. Trong vương vị hoàng tử, lại đi tìm đường để cứu khổ cho bản thân và tất cả chúng sanh. Ngài và người hầu qua dòng sông A-nô-ma, rút gươm cắt tóc, cởi trả hết hoàng bào ngà ngọc, mặc áo nhuộm làm một nhà tu khổ hạnh ở trong rừng. Năm năm tầm đạo, sáu năm khổ hạnh, Ngài đã học được với những vị đại tiên. Nhưng thấy chưa phải là con đường rốt ráo nên từ giã đi theo con đường của mình. Cuối cùng, dưới cội Bồ đề Ngài buông tất cả để thiền định.

Ngài phát đại nguyện: Dù thịt nát, xương tan, nếu không chứng được quả Vô Thượng Bồ Đề thì quyết không rời khỏi chỗ này. Khẳng định như vậy, cuối cùng Ngài bừng ngộ, trí tuệ trùm khắp, thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, trở thành bậc toàn giác ở trong thế gian. Cuộc đời của Ngài là tấm gương sáng cho toàn thể Phật tử chúng ta. Từ giáo lý của Ngài chúng ta chiêm nghiệm lại mình, thân này dù có cưng chiều bao nhiêu thì cũng phải bỏ. Cái chúng ta cho là tâm cũng là bóng dáng của tiền trần, chẳng qua chỉ là một mớ vọng tưởng hỗn tạp. Cả thân lẫn tâm chúng ta đều giả tạm hà huống là gia đình, mọi thứ chung quanh có thật đâu. Còn khỏe mạnh, tỉnh táo, thở ra thở vào thì còn nói ta nói người, chớ như thở ra mà không hít vào thì có ai cứu được đâu! Cha mẹ có thương cũng không biết làm sao. Dù thạc sĩ y học suốt cả đời nghiên cứu thuốc trị bệnh cho mọi người nhưng rồi cũng có những bệnh không có thuốc trị.

Người tu khi đã thấm nhuần đạo lý này rồi thì phát huy đức hạnh của mình. Nhờ đó mà hoàn toàn tỉnh táo đối với tất cả những sự kiện chung quanh. Sống và làm tất cả các việc công đức như vậy, với một tâm hồn sáng suốt tỉnh táo, không bị vướng mắc gì hết là tu đạo. Cho nên nói nếu Bồ tát phát tâm Bồ đề thì nhất định chứng được đạo quả Bồ đề. Trọn được đạo đại thừa, thu nhiếp được tất cả thiện pháp. Nghĩa là thuần thục, thấm nhuần, phát huy được hạnh thiện rồi thì thu nhiếp được tất cả pháp lành. Từ chỗ thấm nhuần đạo lý, tu tập một cách kiên quyết, thể hiện được đại hạnh và công đức sâu dày thì mới thành tựu được đạo quả.

Bồ tát khi thấy chúng sanh khổ não, sinh lòng thương xót nên phát tâm Bồ đề tu tập, thành tựu đạo quả Vô Thượng. Cũng có trường hợp Bồ tát cảm nhận nỗi khổ điêu đứng của chúng sanh nên các Ngài nguyện thay họ chịu khổ. Nhờ thế mà thành tựu đạo quả Bồ đề. Đây gọi là chủng, hạnh, tâm giác của người con Phật. Nghĩa là làm sao chúng ta phát huy được tâm, mở được trí, thực hành tâm trí của mình cho thật xứng hợp với tánh giác thì nhất định sẽ thành Phật.

Về nỗi khổ của chúng sanh thì những sự việc gì xảy đến chúng ta không hề biết, bởi vô minh điên đảo muôn đời ngăn che. Nghiệp nhân chúng ta đã gây từ thuở nào và phải trả vào thời gian nào, không ai biết trước. Nhưng nhờ chỗ không biết này chúng ta phấn đấu tu tập, tích cực đốt giai đoạn, chuẩn bị tư lương khi phải trả nghiệp. Chính chỗ không biết cũng là cái hay cho việc tu hành. Nếu biết tới bảy mươi tuổi mình mới bị tai ách mà năm nay mình mới hai mươi tuổi thì thấy thời gian còn dài, rồi buông lung thì sẽ chồng chất thêm tội nghiệp. Do không biết cho nên khi nhận được và thấm nhuần đạo lý, chúng ta lo tu, do đó có thể chuyển được nghiệp.

Người thối chuyển tâm Bồ đề là do phát huy không nổi ý chí, không nhận thấu đáo được phương thức tu tập. Do vậy việc tu học, hành trì công phu v.v… đều bất ổn. Đây là thối tâm thường. Có người khi gặp một sự việc bất trắc trên đường tu phải vấp ngã. Vì không có ý chí, chưa vững tâm cho nên bỏ cuộc, đi theo con đường khác. Ví dụ như có người phát tâm tu một thời gian rồi gặp trở ngại, bỏ chùa về thế tục. Nếu sống như một Phật tử bình thường, lương thiện, tu hành giữ năm giới thì tốt đẹp biết là bao nhiêu, đằng này bỏ chùa về rồi bất cần. Như kẻ bất đắc chí, nhậu nhẹt, tụ tập bày ra chuyện này chuyện kia, hủy báng Tam Bảo. Đây là loại người thối tâm rốt ráo, thối mà không bao giờ quay lại nữa.

Một khi gây tạo những nghiệp nhân xấu rồi thì phải trả, đời này kiếp nọ trả hoài biết chừng nào mới xong. Mình gây nghiệp thì nhiều lắm. Mỗi ngày ý nghĩ mông lung, miệng nói xàm đủ thứ, thân thì hành động đủ chuyện hết. Mỗi hành động, mỗi lời nói của mình đều kết thành nghiệp, thành năng lực mà năng lực đó quyết định cho cuộc đời, cho sinh mệnh của mình trong hiện tại và luôn cả trong những đời kế tiếp. Chúng ta đã gây tạo thế nào thì kết quả cũng theo đó mà thọ nhận. Là người biết tu, sẵn sàng trả tất cả những nợ nần đã vay nhưng không gây thêm nữa mới là giải thoát.

Bồ tát là người biết mở rộng lòng mình, phát huy được tính giác, phát đại nguyện đi vào cuộc đời, nguyện thay cho tất cả chúng sanh mà chịu khổ, nguyện cho tất cả chúng sanh đều tu theo giác đạo. Đại nguyện đại hạnh của Bồ tát đi vào cuộc đời là như vậy. Tôi kể lại câu chuyện tiền thân của Phật. Trong một tiền kiếp, Ngài đã gây nghiệp nhân xấu ác nên phải đọa địa ngục hỏa xa (Cái xe bằng lửa). Trong đó Ngài cùng hai người bạn bị cột vào bánh xe bằng lửa, phải kéo đi bằng sức của mình. Từ bánh, thành, căm, trục xe đều bốc lửa. Ngồi trên xe là mấy ông đầu trâu mặt ngựa cũng phun ra lửa. Tội nhân bị cột trong xe rồi thì cháy đỏ nên đi không nổi. Đã vậy người trên xe còn dùng đinh ba đâm vô cổ hoặc thọc vào bụng. Hai người bạn của Ngài chịu không nổi nên chết, còn một mình Ngài ráng kéo. Lực của ba người mà bây giờ đổ dồn về một mình Ngài. Nhưng Ngài vững nguyện, biết đây là hậu quả mà mình phải trả, hai người bạn chỉ bị ảnh hưởng thôi. Cố gắng hết sức nhưng không chịu nổi, Ngài té nhào. Nhưng đặc biệt, khi bị khổ đau, nặng nhọc, bị bức xúc gần chết như vậy mà Ngài nói lên lời này với quỷ sứ: “Thưa các ông, bạn tôi yếu đuối không cách gì kéo nổi, xin các ông nới tay một tí”. Nghe câu nói đó quỷ sứ nổi giận đâm Ngài chết. Nhờ chết trong tâm rỗng rang, không thù hận, tâm rộng mở thương người nên chết rồi Ngài thoát khỏi khổ báo.

Sau khi thoát rồi Ngài có lập nguyện như sau: “Người chịu tội thật đáng thương xót, tôi xin thay họ chịu tất cả những đọa đày khổ đau của chúng sanh đã tạo tội và mong rằng mọi người tỉnh táo, đừng gây tạo những nghiệp nhân để bị khổ như vậy nữa”. Do nguyện lực ấy mà Ngài được sanh về cảnh giới lành, nỗ lực công phu tu tập đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.

Phật tử chúng ta nên ôn lại nghiệp là gì. Là năng lực, là thói quen từ tham, sân, si của chính chúng ta. Nghiệp kết bởi ý nghĩ, nói năng, hành động của chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ quấy, nói sai, hành động phi pháp thì bị quả xấu, nhất định như vậy. Cho nên người tu Phật là người tỉnh giác, kiểm soát được ba nghiệp của mình và làm chủ được thân, khẩu, ý. Tu tâm là tu như thế.

Trở lại vấn đề báo hiếu, chúng ta noi gương Tôn giả Mục Kiền Liên là một vị đại hiếu, chúng ta phải biết ơn và đền ơn. Đền ơn bằng cách không gây những nghiệp nhân xấu để mình bị khổ, hướng tiến mọi người chung quanh trong đó có thân nhân của mình được hết khổ. Đây là một pháp tu rất tích cực. Chúng ta ngồi lại kiểm điểm, loại những thói hư tật xấu, làm chủ được tham, sân, điên đảo của chúng ta, khó vô cùng. Quí vị thử nghiệm, ai đó tới nói với mình gây sự bức xúc, chúng ta hoặc buồn hoặc cũng sân si, ít khi bình tĩnh an ổn được. Chỉ có người phát tâm giác, biết quay về nhận lỗi lầm từ nghiệp của mình, từ tham đắm, sân hận, điên đảo, từ ý nghĩ, nói năng, hành động của mình. Chỉ ai bản lĩnh mới nhận ra chuyển đổi nghiệp cũ. Đó là người biết tu chân chính. Trong kinh Lăng Nghiêm, sau khi Phật chỉ cho Ngài A nan và đại chúng nhận được cái nào là tâm thật của mình, cái nào là bóng dáng các giả cảnh bên ngoài, Ngài liền tuyên bố: “Các ngươi thành Phật cũng từ các giác quan của các ngươi. Các ngươi bị đọa trong các đường ác cũng từ các giác quan”. Tức là từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của mình mà tu thành Phật và cũng từ đó mà đi trong luân hồi, chịu khổ đau.

Tóm lại, tu tâm là quan trọng, tu tâm là gốc. Quí vị ngồi kiểm lại, nếu việc gì sai thì cố gắng bỏ. Đừng nói anh tôi hút thuốc nên tôi hút thuốc, tại ông già tôi nhậu nên tôi nhậu. Không có chuyện đó. Mình phải có một thái độ dứt khoát, sáng suốt, khẳng định việc làm này, hành động này của mình, hậu quả sẽ theo sau. Hậu quả của việc làm luôn như bóng với hình. Người con Phật khi nắm chắc lý nhân quả và áp dụng lý nhân quả để tu thì an ổn. Lần lần được giác ngộ giải thoát, không có gì khó cả.

Hôm nay nhân ngày lễ Vu Lan, lẽ ra nói nhiều về hạnh hiếu, nhưng tôi muốn nhấn mạnh việc tu, làm sao chúng ta có thể tu cho đạt được kết quả mỹ mãn thì đạo hiếu đền trả không khó. Chúng ta thấy những người xuất gia bỏ cha mẹ, dường như mang tội bất hiếu. Vậy muốn đền bù hay thực hiện hạnh hiếu thì phải làm sao? Phải là người tu có đạo lực, phải giác ngộ mới mong đền bù nổi sự mất mát kia.

Do đó chúng tôi mong mỏi quí Phật tử từng phút giây tỉnh giác nhận và biết rằng mọi thứ từ tâm của chúng ta. Căn cứ nơi tâm mà chúng ta tu. Bất cứ hậu quả nào của chúng ta đều do tự mình gây chứ không do ai khác. Nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm. Vậy người Phật tử phải là người sáng suốt. Sáng suốt thế nào? Trả nợ và đừng gây thêm nợ. Rõ ràng chúng ta không vay nợ thì không bị nợ, còn trả thì sẽ hết. Phật tử chúng ta phải biết trả nợ như thế, trả trong tỉnh táo sáng suốt. Chúng ta thực hiện hiếu đạo bằng cách phát tâm Bồ đề, hướng dẫn những người thân cùng phát tâm Bồ đề. Nỗ lực tu tâm để được giác và giúp cho những người thân cùng được giác ngộ. Kinh nói: “Nhất nhơn thành đạo cửu huyền thăng” nghĩa là trong gia đình có một người tu thành đạo thì cửu huyền siêu thăng. Chữ thăng tức là bay lên. Hàng xuất gia chúng ta càng phải ráng tu hơn, không phải chỉ lo dâng cơm áo cho cha mẹ mới gọi là hiếu, mà phải lo tu hành để độ cửu huyền được siêu thăng, đó là đại hiếu.

Mong rằng tất cả chúng ta nỗ lực tu tập, hướng về ngày Báo Hiếu. Nguyện đem công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ và thân bằng quyến thuộc nhiều đời đều được hưởng lợi lạc và đời đời gặp Phật pháp, phát tâm tu hành cho đến ngày cùng gặp nhau trong hội Phật.

MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

1.Nghĩ đến thân, chẳng cầu không bệnh. Thân không bệnh thì tham dục dễ sanh.

2.Ở đời, chẳng mong không nạn. Không nạn thì kiêu sa ắt khởi.

3.Tham cứu tâm, chẳng cầu không chướng. Tâm không chướng thì việc học vượt thứ lớp.

4.Lập hạnh, chẳng mong không ma. Không ma thì thệ nguyện chẳng vững.

5.Sắp đặt việc, chẳng cầu dễ thành. Việc dễ thành thì chí còn khinh mạn.

6.Tình nghĩa qua lại, chẳng mong lợi mình. Lợi mình thì kém tổn đạo nghĩa.

7.Đối tiếp người, chẳng cầu nuông chiều. Hễ nuông chiều thì tâm sanh kiêu căng.

8.Thi ân bố đức, chẳng mong đền đáp. Mong đền đáp là ý còn mưu toan.

9.Thấy lợi, chẳng cầu mình được. Được lợi thì tâm si dễ động.

10.Bị hàm oan, chẳng cầu minh oan. Minh oan thì oán hận càng sanh. 

Thế nên, Thánh nhân lập bày giáo hóa.

Lấy bệnh khổ làm thuốc hay.

Lấy hoạn nạn làm tiêu dao.

Lấy chướng ngại làm giải thoát

Lấy chúng ma làm bạn pháp.

Lấy khó khăn làm thành công.

Lấy kẻ giao hữu tệ bạc làm sự giúp ích.

Lấy người nghịch làm vườn đẹp.

Lấy bố đức làm dép rách.

Lấy lợi sơ sài làm giàu sang.

Lấy oan ức làm cửa hạnh.

Như thế, ở chỗ ngại biến thành thông. Mong được thông biến thành ngại. Vì thế, Đức Như Lai ở trong chướng ngại được đạo Bồ đề. Đến như bọn ông Ương- quật- ma- la và Đề-bà-đạt- đa, đều đến làm hại, mà Đức Phật vẫn thọ ký cho họ về sau vẫn thành Phật. Đâu chẳng phải họ là nghịch mà ta vẫn thuận, kia là hoại mà ta lại thành.

Song, đời nay người thế tục học đạo, nếu trước không ở chỗ ngại, khi chướng ngại đến khó bề dẹp nổi, khiến của báu pháp vương do đó mà mất. Đâu chẳng tiếc ư ! Đâu chẳng tiếc ư!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

All in one